TÒA CHƯA ĐỦ CƠ SỞ VỮNG CHẮC VÀ SẼ CÓ KHÁNG ÁN !
MẠN ĐÀM VỀ BẢN ÁN LY HÔN GIỮA ÔNG VŨ, BÀ THẢO TẠI TẬP ĐOÀN TRUNG NGUYÊN:
TÒA CHƯA ĐỦ CƠ SỞ VỮNG CHẮC VÀ SẼ CÓ KHÁNG ÁN !
Vụ án ly hôn của ông Vũ, bà Thảo liên quan tại Tập đoàn Trung Nguyên có thể khẳng định là vụ án ly hôn có giá trị lớn nhất lịch sử các vụ án ly hôn tại Việt Nam tính đến nay, tuy nhiên, điều mà dư luận, báo chí đang “sục sôi” và được các chuyên gia, luật sư quan tâm là liệu Bản án mà Tòa án đã tuyên có làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Thảo khi tuyên ông Vũ được giao sở hữu toàn bộ số cổ phần (được xác định là tài sản chung của ông Vũ, bà Thảo tại các Công ty) và ông Vũ chỉ phải thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo ? Bà Thảo mất quyền quyết định đối với sổ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn ?
Tác giả tin chắc chắn sẽ có kháng án vì có nhiều đề xuất và các lý do khá quan trọng khác của bà Thảo đều không được Tòa chấp thuận, mặt khác đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đã nêu rõ chưa đủ cơ sở vững chắc đối với việc xác định, chia số tiền, vàng, ngoại tệ hơn 2.100 tỷ đồng là tài sản chung để Tòa chia trong vụ án ly hôn nhưng số tiền này cũng đã được Tòa án chia. Cụ thể nội dung vụ án được Tòa nhận định, phân tích và tuyên án như sau:
TÒA CĂN CỨ VÀ NHẬN ĐỊNH
Ông Vũ khởi nghiệp năm 1996 với giấy phép kinh doanh với hình thức là cá nhân kinh doanh – tên cơ sở kinh doanh là Trung Nguyên Cà phê - sau 2 năm khẳng định thương hiệu và đạt một số thành công nhất định tại thị trường Việt nam, ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo năm 1998. Năm 1999, cơ sở kinh doanh cà phê Trung Nguyên trở thành xí nghiệp cà phê trung Nguyên với mô hình hợp tác xã.
Năm 2002, chuyển đổi thành công ty TNHH cà phê Trung Nguyên với 2 thành viên góp vốn là ông Vũ và cha là ông Mơ. Tháng 4/2007, chuyển đổi thành công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, bắt buộc phải có 3 thành viên và có sự tham gia của bà Thảo với tỷ lệ góp vốn 10%.
Trải qua các giai đoạn phát triển, ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty. Sản phẩm công ty được xuất khẩu 60 nước trên thế giới, có 9 công ty thành viên, 20 đơn vị chi nhánh, văn phòng trực thuộc, 200.000 quán cà phê, 200 nhà phân phối độc quyền, 130 điểm bán lẻ.
Vạch ra chiến lược phát triển Trung Nguyên qua tài liệu được đúc kết trong nhiều năm gồm có Học thuyết cà phê trung Nguyên, Trung Nguyên Cà phê, Triết đạo sinh. Căn cứ các giấy phép kinh doanh của các công ty trong tập đoàn Trung Nguyên thì đúng là số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo.
Đây cũng chính là một căn cứ để đánh giá công sức của ai trong việc hình thành khối tài sản chung vợ chồng là vốn góp của ông Vũ, bà Thảo trong các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên khi hai vợ chồng chưa xảy ra mâu thuẫn.
Trong thời gian mới kết hôn, bà Thảo phải chăm sóc,nuôi dưỡng 4 cháu ăn học và thường xuyên bà Thảo phải ở nước ngoài để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Ông Vũ với tư cách là người lãnh đạo chính, chủ chốt trong doanh nghiệp, ông Vũ lãnh đạo doanh nghiệp thành công, hằng năm thu về cho Ngân sách nhà nước một lượng tiền tương đối lớn. Như vậy ông vẫn là chủ của tập đoàn Trung Nguyên vì tỷ suất lợi nhuận thu được vẫn rất cao.
Với những nhận định trên, xét thấy trong thời gian ông Vũ làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc trong tập đoàn Trung Nguyên từ khi thành lập đến nay công sức của ông Vũ nhiều hơn về tỷ lệ vốn góp, có nhiều công sức trong việc nâng cao thương hiệu cà phê Trung Nguyên trong nước cũng như thị trường quốc tế, có nhiều công sức trong việc hình thành khối tài sản chung vợ chồng trong doanh nghiệp, do đó, cần thiết phải chia cho ông Vũ nhiều hơn – với tỷ lệ ông Vũ chiếm 60% phần trăm công sức, bà Thảo chiếm 40% công sức.
TÒA TUYÊN ÁN
Về tài sản giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty trong tập đoàn Trung Nguyên và các bất động sản bao gồm ( tất cả các công ty trong tập đoàn Trung Nguyên). Tổng cộng giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần của Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong các công ty thuộc tập đoàn bao gồm:
- 15% cổ phần tại công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên;
- 15% trong công ty cà phê Trung Nguyên Franchisie;
- 30% trong công ty cổ phần Đầu tư du lịch Đặng Lê;
- 21% trong công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông;
- 15% trong công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên;
- 30% trong công ty cổ phần tập đoàn Trung nguyên;
- 90% trong công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Tương đương số tiền trị giá hơn 5.737 tỷ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm liên hệ với Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh Đắc Nông, Bình Dương, Bắc Ninh, Đắc Lắc, Hồ Chí Minh để làm thủ tục thay đổi Giấy phép kinh doanh theo quy định.
Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu Bất động sản bao gồm trị giá tiền đất và tài sản gắn liền với đất hiện nay khối tài sản này ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang quản lý sử dụng gồm: 6 khối tài sản tổng cộng số tiền là hơn 350 tỷ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương nơi có tài sản để làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất với nhà đất nên trên theo quy định pháp luật.
Giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo quản lý sử dụng trị giá tiền sử dụng đất và sở hữu trị giá toàn bộ tài sản trên đất. Hiện số tài sản này bà đang quản lý, sử dụng có danh mục tài sản kèm theo ( 7 danh mục), tổng giá trị khối tài sản là hơn 375 tỷ đồng.
Giao Bà Lê hoàng Diệp Thảo sở hữu số tàn sản gồm tiền, vàng, các loại ngoại tệ hiện nay nằm trong ngân hàng bà Lê Hoàng Diệp Theo đang quản lý, tổng trị giá quy ra tiền tại thời điểm xét xử sơ thẩm là hơn 1.764 tỷ đồng.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo là hơn 1.223 tỷ đồng.
Kể từ ngày bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn đề nghị thi hành án, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không tự nguyện thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quá hạn trung bình theo quy định của NHNN với số tiền thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Đình chỉ tất cả các yêu cầu khác của các bên đương sự là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đối với các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty liên quan đến việc thành lập, chuyển nhượng, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty và các hoạt đông khác về kinh doanh thương mại liên quan đến tất cả các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên…
PHÂN TÍCH CỦA TRUYỂN THÔNG, CHUYÊN GIA, LUẬT SƯ
Đa số các báo, tạp chí, truyền thông và các Chuyên gia, luật sư đều phân tích bản án dựa vào các căn cứ pháp lý từ Luật Hôn nhân gia đình, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự,…để tự phân thành 2 nhóm với 2 luồng quan điểm khác nhau:
Nhóm thứ nhất có hướng phân tích, nêu quan điểm là Tòa án có quyền chia tài sản chung, việc quyết định chia tài sản chung ( bao gồm cả cổ phần tại các công ty) là quyền của Tòa án và không tách riêng việc quyết định, địch đoạt cổ phần cho Bà Thảo là đúng và phù hợp.
Nhóm thứ hai có quan điểm cho rằng Tòa án chỉ có quyền quyết định tỷ lệ chia tài sản chung, quyết định số cổ phần theo tỷ lệ nhất định nhưng không có quyền quyết định, định đoạn tài sản của bà Thảo sau khi đã chia theo tỷ lệ đó ( ở Bản án này tỷ lệ là 40% của bà Thảo, 60% của ông Vũ), tức quyết định bán, chuyển nhượng hay tiếp tục nắm giữ số cổ phẩn được chia theo tỷ lệ là của bà Thảo và Thẩm phán quyết định ông Vũ được sở hữu toàn bộ và chỉ phải thanh toán tiền lại cho bà Thảo là vượt quyền, vi phạm Luật Doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích của bà Thảo.
Trước khi đi vào các quan điểm của dư luận, báo chí và các chuyên gia, luật sư… thì chúng ta cùng xem lại các yêu cầu của bà Thảo ( các luật sư bà Thảo đã nêu tại Tòa) và sự khác biệt với Bản án đã tuyên để thấy rõ vì đa phần mọi người mới chỉ quan tâm chung đến tỷ lệ 40% - 60% và quyền định đoạt cổ phần mà không nêu rõ yêu cầu của Bà Thảo cho mọi người hiểu cụ thể thì sẽ rất khó đánh giá, nhìn nhận được chính xác các nội dung, vấn đề liên quan.
Tổng tài sản là cổ phần, vốn góp tại các công ty
Trước đó, tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát tham gia tại Phiên tòa đã nêu rõ giá trị thẩm và tỷ lệ vốn góp, số cổ phần bà Thảo, ông Vũ đang nắm giữ tại từng Công ty mà các bên đang tranh chấp, cụ thể:
- Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên được thành lập năm 2007: Giá trị thẩm định là hơn 859 tỷ đồng, Ông Vũ có 10%, bà Thảo có 5%;
- Tại Công ty cà phê Trung Nguyên Franchisie được thành lập năm 2011: Giá trị thẩm định là hơn 16,3 tỷ đồng, Ông Vũ có 10%, bà Thảo có 5%;
- Tại Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê được thành lập năm 2010: Giá trị thẩm định là hơn 59 tỷ đồng, Ông Vũ có 15%, bà Thảo có 15%;
- Tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông: Giá trị thẩm định là hơn 6,8 tỷ đồng, Ông Vũ có 30%;
- Tại Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên được thành lập năm 2007: Giá trị thẩm định là hơn 583 tỷ đồng, Ông Vũ có 10%, bà Thảo có 5%;
- Tại Công ty cổ phần tập đoàn Trung nguyên được thành lập năm 2006: Giá trị thẩm định là hơn 5.431 tỷ đồng, Ông Vũ có 20%, bà Thảo có 10%;
- Tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên: Giá trị thẩm định là hơn 4.208 tỷ đồng, Ông Vũ có 60% và bà Thảo có 30%.
Các yêu cầu của bà Thảo về cổ phần, vốn góp tại các công ty
Giai đoạn tự nguyện bà Thảo đề nghị chia đôi, mỗi người được ½, tức là 50% trong tổng số cổ phần, vốn góp của cả hai đang nắm giữ tại 7 công ty nêu trên;
Tại phiên tòa, bà Thảo đề nghị Tòa:
- Tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, bà Thảo đề nghị chia 51% số cổ phần – ông Vũ 39% số cổ phần;
- Tại Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ 15% và bà Thảo 15%;
- Tại Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên, ông Vũ 7,5% và bà Thảo 7,5%;
- Tại 4 Công ty còn lại là: Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông – Bà Thảo chấp thuận để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần.
Và sự khác biệt với bản án Tòa tuyên:
Như vậy, với đề xuất chi tiết nêu trên thì về cơ bản với 4 công ty đầu tiên mà tác giả gạch chân dưới đây thì bà Thảo đồng ý để ông Vũ nắm giữ toàn bộ cổ phần ( tài sản chung ) tại đó, điểm này là phù hợp và thống nhất với nội dung mà Tòa án đã tuyên giao toàn bộ cho ông Vũ.
- 15% cổ phần tại công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên;
- 15% trong công ty cà phê Trung Nguyên Franchisie;
- 30% trong công ty cổ phần Đầu tư du lịch Đặng Lê;
- 21% trong công ty TNHH Trung Nguyên Đắk Nông.
Đối với 3 Công ty còn lại, đây là sự khác biệt của đề nghị từ bà Thảo và bản án mà Tòa án đã tuyên:
- Trong số 15% cổ phần được xác định là tài sản chung tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên thì bà Thảo đề nghị mỗi người được chia, nắm giữ và quyết định là 7,5% số cổ phần – như vậy là đề xuất chia tỷ lệ 50-50 nhưng Tòa tuyên giao hết cho ông Vũ.
- Trong số 30% cổ phần được xác định là tài sản chung tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung nguyên thì bà Thảo đề nghị mỗi người được chia, nắm giữ và quyết định là 15% cổ phần – như vậy là đề xuất chia tỷ lệ 50-50 nhưng Tòa tuyên giao hết cho ông Vũ.
- Trong số 90% cổ phần được xác định là tài sản chung tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên thì bà Thảo đề nghị bà là người được chia, nắm giữ và quyết định với tỷ lệ 51% số cổ phần và ông Vũ nắm tỷ lệ 39% nhưng Tòa tuyên giao hết cho ông Vũ.
Thực tế, sự khác biệt và chi tiết là như vậy nhưng đa số mọi người đều tập trung quan tâm đến tỷ lệ bà Thảo đề nghị ban đầu là tỷ lệ 51-39% tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và việc Tòa án tuyên là 40-60% mà quên mất rằng khái niệm và tỷ lệ đó là áp dụng khác nhau hoàn toàn, theo đó, tỷ lệ bà Thảo đề nghị là bà nắm giữ 51% cổ phần còn ông Vũ nắm 39% cổ phần là áp dụng đối với 90% cổ phần - tài sản chung của ông bà tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên trong khi đó tỷ lệ Tòa án quyết định chia là 60% cho ông Vũ và 40% cho bà Thảo là áp dụng đối với tổng toàn bộ Tài sản chung và chia 100% số cổ phần cho ông Vũ đối với 90% cổ phần được xác định là tài sản chung tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên.
Ngoài ra thì Tòa án tuyên luôn đối với phần tiền vàng và các loại ngoại tệ khác tại các Ngân hàng mà trước đây bà Thảo đứng tên, quản lý lên tới hơn 2.100 tỷ đồng mà các Ngân hàng liên quan đã xác nhận là có và tại phiên Tòa tính tới thời điểm xét xử cũng được Tòa án tính là tài sản chung theo đề nghị của phía ông Vũ và sau đó Tòa giao cho Bà Lê hoàng Diệp Thảo sở hữu với tổng trị giá quy ra tiền tại thời điểm xét xử sơ thẩm là hơn 1.764 tỷ đồng.
CHẮC CHẮN SẼ CÓ KHÁNG ÁN !
Như vậy, các đề nghị của bà Thảo chưa được chấp thuận đầy đủ, đặc biệt là tỷ lệ chia 90% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên khi Tòa tuyên giao toàn bộ số cổ phần này cho ông Vũ và bà Thảo được nhận lại chênh lệch bằng tiền bởi ai cũng hiểu nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên có giá trị lớn như thế nào đối với bà Thảo, ông Vũ – Công ty này được ví như “Con chim đầu đàn", nắm giữ toàn bộ tập đoàn Trung Nguyên do công ty đều đang sở hữu số cổ phần, vốn góp chi phối đối với các công ty còn lại trong tập đoàn ( Chiếm 85% tại công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên; Chiếm 85% tại công ty cà phê Trung Nguyên Franchisie; Chiếm 70% tại công ty Đầu tư du lịch Đặng Lê; Chiếm 85% trong công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên; Chiếm 70% trong công ty Vũ Nguyên Đắk Nông; 70% trong công ty cổ phần tập đoàn Trung nguyên).
Hơn nữa, việc bị Tòa tuyên số tiền, vàng, ngoại tệ với hơn 1.764 tỷ đồng là tài sản chung để chia cho ông Vũ theo tỷ lệ chung 60-40% là thiệt hại lớn cho bà Thảo.
Đến đây, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đề nghị và việc Tòa án tuyên nên sau khi kết thúc tại phiên Tòa khi được các phóng viên hỏi bà Thảo chỉ thốt lên: Công lý ở đâu ? Quá bất công với 5 mẹ con tôi” và quan điểm cá nhân tôi tin bà Thảo (nhóm luật sư đại diện cho bà Thảo ) chắc chắn sẽ kháng án là vì vậy.
Mặt khác, tại phiên tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa cũng đã nói về phần tiền vàng, ngoại tệ trị giá gần 2.100 tỷ đồng do chưa đảm bảo về tố tụng, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên Viện Kiểm sát chưa có đủ cơ sở vững chắc để giải quyết. Do đó, khi Tòa tuyên số tiền này là tài sản chung và ông Vũ cũng chưa đủ chứng cứ rõ để chứng minh đó là tài sản chung thì việc Tòa tuyên chia theo tỷ lệ 60-40 theo khối tài sản chung là “không an toàn” – hay nói như Viện kiểm sát là “chưa đủ cơ sở vững chắc” thì để bảo vệ quan điểm của mình, Viện Kiểm sát có thể kháng nghị đối với nội dung này trong Bản án sơ thẩm.
CHƯA ĐỦ CƠ SỞ VỮNG CHẮC !
ở bài viết này, tác giả không bênh hay bảo vệ nhóm nào nhưng theo nghề luật thì nghĩ bà Thảo sẽ kháng án vì những sự khác biệt gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích trong nội dung yêu cầu của bà với bản án mà Tòa đã tuyên hoặc Viện kiểm sát có thể kháng nghị đối với một số nội dung như phân tích nêu trên.
Theo chủ quan tác giả thì việc Tòa nhận định, phân tích, đánh giá công sức của ông Vũ, bà Thảo và quyết định chia tài sản với tỷ lệ 60%-40% là hợp tình, hợp lý, có căn cứ theo các quy định của luật. Theo đó, thì việc Tòa quyết luôn toàn bộ cổ phần của 7 công ty nói trên vào khối tài sản chung cũng được gọi là có cơ sở.
Còn về việc giao toàn bộ cổ phần được xác định là tài sản chung cho ông Vũ và ông Vũ chỉ phải thanh toán lại tiền cho bà Thảo thì chưa đủ cơ sở vững chắc vì những quy định sau:
Theo Luật Hôn nhân gia đình quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì “Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch”.
Như vậy, mấu chất ở đây là cổ phần có phải là hiện vật không ? Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn rõ hơn về “hiện vật” và chia bằng hiện vật thêm, chỉ duy nhất từ hiện vật được nhắc đến trong ví dụ tại Thông tư liên tịch của Bộ Tư Pháp – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Luật Hôn Nhân gia đình thì:
“Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu”.
Theo Bộ Luật Dân sự về chia tài sản thuộc sở hữu chung thì: “1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Với các quy định trên có thể thấy rõ: (1) Cổ phần là tài sản chung và có thể được chia được; (2) cổ phần đó không phải duy trì trong thời hạn theo thỏa thuận nào khác thì Bà Thảo có quyền yêu cầu được chia; (3) Khi cổ phần không thể chia được bằng hiện vật – tức là không được coi là hiện vật thì bà Thảo có quyền bán (không có quy định nghĩa vụ phải bán hoặc bán cho ai).
Do đó, khi Tòa quyết định giao ông Vũ được nắm giữ toàn bộ số cổ phần tại các công ty đó và ông Vũ chỉ phải thanh toán lại bằng tiền theo tỷ lệ 60-40 cho bà Thảo thì với góc độ luật và các quy định viện dãn trên, tác giả thấy chưa đủ cơ sở vững chắc – Giới chuyên gia hầu như cũng không tìm được căn cứ pháp lý nào cho việc Tòa giao toàn bộ số cổ phần tại các công ty nêu trên cho ông Vũ nắm giữ ngoài cách hiểu Luật Hôn nhân Gia đình có phần chủ quan là giao ông Vũ quản lý tốt hơn, có tầm nhìn chiến lược và phát triển tập đoàn tốt hơn chăng !?
Chốt lại, tác giả cho rằng việc xác định tài sản chung, việc tính tỷ lệ chia tài sản chung là 60-40 là có căn cứ, cơ sở khá chắc về tình và lý nhưng cách thực hiện giao toàn bộ cổ phần tại 7 công ty cho ông Vũ là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng - làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bà Thảo.
Tác giả xin lấy ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa để kết luận bài viết về việc Tòa xác định số tiền, vàng, ngoại tệ hơn 2.100 tỷ đồng là tài sản chung rồi chia tỷ lệ 40-60 như các tài sản khác trong vụ án khi chưa có căn cứ rõ về việc hình thành số tiền đó và việc Tòa giao toàn bộ cổ phần tại 7 Công ty cho ông Vũ sở hữu để thanh toán lại tiền cho bà Thảo là CHƯA ĐỦ CƠ SỞ VỮNG CHẮC.
Phan Lãng - Giám đốc Công ty Luật Minh Triết.